Thường hợp cơ thể bạn gặp chấn thương không còn khả năng bảo tồn, hoặc mắc các bệnh lý dẫn đến chỉ định cắt cụt chi, sau khi cắt cụt sẽ tạo thành mỏm cụt. Phục hồi chức năng mỏm cụt không chỉ quan trọng về mặt thẩm mỹ mà còn ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng cuộc sống của bệnh nhân sau này.
1. Sơ lược về mỏm cụt
Cắt cụt chi được thực hiện trong một số trường hợp bệnh lý hoặc tai nạn, chấn thương nặng. Nguyên tắc khi thực hiện cắt cụt chi là phải đảm bảo:
– Độ dài mỏm cụt với tỷ lệ da, cơ, xương,…
– Xử lý mạch máu thần kinh để tạo điều kiện thuận lợi cho việc lắp chi giả sau này.
1.1 Mỏm cụt là gì?
Mỏm cụt là phần còn lại của một chi sau khi bị phẫu thuật cắt cụt. Các tầm mức mỏm cụt ở chân là ngón chân, bàn chân, cẳng chân, khớp gối, đùi, khớp háng. Các tầm mức mỏm cụt ở tay là bàn tay, cổ tay, ngón tay, cẳng tay, khuỷu tay, cánh tay, khớp vai.
Một số nguyên nhân dẫn tới phẫu thuật mỏm cụt gồm:
- Chấn thương: Tai nạn lao động, giao thông, hỏa hoạn;
- Do bệnh lý: Lao xương, ung thư xương, viêm tắc động mạch,…;
- Do dị tật bẩm sinh của chi: Kém phát triển, thiếu một đoạn chi,…
1.2 Mỏm cụt ảnh hưởng như thế nào đến bạn?
Bệnh nhân có mỏm cụt gặp rất nhiều khó khăn trong sinh hoạt, lao động như:
- Đau do khối u thần kinh, sẹo mổ tỳ vào dây thần kinh, hoặc đau chi ma.
- Chảy máu do va đập, tụt chỉ mỏm cụt, cần điều trị bằng ép, chườm lạnh hoặc mổ lại để cầm máu.
- Viêm tủy xương, áp xe cơ cần sử dụng thuốc kháng sinh, trích rạch dẫn lưu mủ và chăm sóc vết thương.
- Sót chỉ gây viêm loét vết mổ, cần xử lý bằng cách lấy chỉ bị bỏ sót.
- Viêm da quanh mỏm cụt do dị ứng với thuốc bôi hoặc vệ sinh kém, cần điều trị bằng kháng sinh hoặc nạo vét ổ viêm.
- Mất cảm giác do tổ chức tại vùng mỏm cụt bị tổn thương, có thể cần phải cắt lại mỏm cụt.
- Gây hạn chế chức năng sinh hoạt, biến dạng khớp, co rút cơ mỏm cụt, ảnh hưởng đến tâm lý và hoạt động hàng ngày.
2. Hướng dẫn chăm sóc mỏm cụt
Để đảm bảo một quá trình phục hồi mỏm cụt suôn sẻ và giảm nguy cơ biến chứng, việc chăm sóc đúng cách là cực kỳ quan trọng. Các phương pháp chăm sóc cơ bản bao gồm:
– Băng bó mỏm cụt: Sử dụng chun giãn để băng mỏm cụt sao cho không gây hạn chế động tác của khớp và không làm tuột băng trong quá trình hoạt động.
– Xoa bóp nhẹ nhàng: Thúc đẩy tuần hoàn máu, giúp phá vỡ kết dính của da với mô dưới da, giảm tê và đau ở vùng mỏm cụt.
– Tập cử động khớp: Thực hiện các động tác tập khớp phù hợp để tránh co rút và biến dạng khớp gần mỏm cụt trong tương lai. Tập mạnh cơ mỏm cụt để chuẩn bị cho việc sử dụng chi giả sau này.
Những biện pháp đơn giản này có thể giúp duy trì và nâng cao sức khỏe của mỏm cụt trong quá trình phục hồi.
3. Biện pháp phục hồi chức năng mỏm cụt
3.1 Chỉnh tư thế đúng
Phương pháp này nhằm điều chỉnh tư thế của mỏm cụt để ngăn chặn sự biến dạng do sự mất cân bằng giữa các nhóm cơ trên mỏm cụt. Cụ thể:
- Với mỏm cụt ở cẳng chân: Đặt bệnh nhân nằm sấp để trọng lực tự làm duỗi mỏm cụt, đồng thời khuyến khích ngồi dậy sớm và duỗi chân cụt trên giường.
- Với mỏm cụt ở khớp gối: Điều chỉnh tư thế để mỏm cụt duỗi, kéo và xoay trong. Cách điều chỉnh như đặt bệnh nhân nằm sấp và tránh gập mỏm cụt, hoặc đè bao cát lên đùi để chống biến dạng.
- Với mỏm cụt bị biến dạng: Thực hiện kéo giãn cơ co rút và tập tăng lực cơ đối kháng, có thể sử dụng tạ để kéo giãn với hiệu quả tốt hơn so với kéo bằng tay.
Trong quá trình điều chỉnh tư thế cho người bệnh mỏm cụt, cần tuân thủ các hướng dẫn sau:
- Tránh các tư thế gây biến dạng mỏm cụt.
- Không nằm gập gối.
- Không đặt tỳ mỏm cụt vào nạng chống.
- Tránh nằm ưỡn lưng.
- Không sử dụng gối dưới hông và gối chống.
- Không ngồi xe lăn với tư thế gấp mỏm cụt.
- Không đặt mỏm cụt gần mép giường hoặc cạnh xe lăn.
3.2 Tập mạnh cho mỏm cụt
Sau phẫu thuật khoảng 10 ngày hoặc sau khi cắt chỉ, bệnh nhân cần hạn chế hoạt động của mỏm cụt trên gối để giúp vết mổ mau lành. Sau khi vết thương đã lành, bệnh nhân có thể bắt đầu luyện tập như sau:
- Tập cho mỏm cụt dưới gối: Nằm ngửa, gập gồng cơ tứ đầu đùi hoặc nằm ngửa với gối đỡ đùi, sau đó nhẹ nhàng gập, duỗi khớp gối.
- Tăng cường lực và biên độ cho mỏm cụt dưới gối bằng tạ và ròng rọc, hoặc có người hỗ trợ.
- Buộc bao cát vào đầu mỏm cụt để giữ mỏm cụt ở vị trí duỗi, nằm ngửa hoặc gập hông 90°.
- Tăng độ khó, biên độ tập cho mỏm cụt trên gối với trở kháng trong nhiều tư thế như nằm ngửa, nằm sấp, nằm nghiêng, đứng, quỳ, v.v.
- Sử dụng dụng cụ hỗ trợ và các thiết bị phục hồi chức năng khác.
Những bài tập này có thể mang lại các hiệu quả sau:
- Các nhóm cơ của mỏm cụt trở nên mạnh mẽ hơn, đặc biệt là nhóm cơ duỗi, gập và xoay trong.
- Mỏm cụt tập quen với áp lực, chuẩn bị cho việc sử dụng chi giả.
- Tăng cường lực cơ.
- Duy trì sự linh hoạt của các khớp.
- Tăng cường tuần hoàn máu.
- Bệnh nhân nhận biết được sự phối hợp cần thiết của các nhóm cơ của mỏm cụt để chuẩn bị cho việc sử dụng chi giả..
3.3 Tập hoạt động chức năng toàn thân
Sau khi được trang bị chi giả, bệnh nhân cần tập luyện vận động để cải thiện chức năng di chuyển và sử dụng chi giả. Dưới đây là một số bài tập:
- Tập đứng trong thanh song song: Đứng với 2 chân cách nhau 20cm, dồn trọng lượng lên cả chân lành và chân giả hoặc đổi tư thế 1 chân trước – 1 chân sau.
- Tập đi trong thanh song song: Đi chậm và đưa chân giả lên trước.
- Tập đi ngang theo thanh song song: Bước chân sang ngang rồi đưa chân giả bước theo.
- Tập đứng dậy từ ghế cao: Cúi người về phía trước rồi đứng dậy.
- Tập ngồi xuống và đứng lên từ sàn nhà hoặc từ tư thế quỳ.
- Tập ngã với đệm trên sàn: Người bệnh có thể tập ngã về phía trước, phía sau hoặc sang hai bên mà không gây tổn thương.
Sau khi có chi giả, bệnh nhân cũng cần tập các hoạt động hàng ngày như ăn uống, vệ sinh cá nhân, làm việc nhà, và có thể được hướng dẫn thực hiện các bài tập đặc biệt để cải thiện chức năng của chi giả hoặc việc di chuyển, vận động.
Trong khi thực hiện các bài tập phục hồi chức năng, việc tuân thủ hướng dẫn của nhân viên y tế là quan trọng để đảm bảo hồi phục sức khỏe nhanh chóng và trở lại sinh hoạt, học tập và làm việc bình thường càng sớm càng tốt.